(chủ thể quyền) được thực hiện quyền tự bảo vệ cho đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của mình trước bất cứ hành vi xâm phạm nào. Tuy nhiên việc thực hiện các quyền này trên thực tế gần như vẫn chưa mang lại hiệu quả nào đáng kể.
Trên thế giới hiện nay các hành vi vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ đang ngày càng trở nên tinh vi hơn và với quy mô ngày càng lớn hơn cả về số vụ cũng như số tiền bồi thường giữa các bên có liên quan. Việc giải quyết các vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ thường mang đến kết quả là sự hòa giải. Theo thống kê của Wikipedia thì có tới 99% số vụ kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ kết thúc bằng con đường hòa giải. Tất nhiên là không có sự hòa giải nào miễn phí! Những năm đầu tiên của thế kỷ 21, thế giới chứng kiến cuộc chạy đua công nghệ giữa các nhà sản xuất (phần cứng cũng như phần mềm). Việc ứng dụng thành công một công nghệ mới có thể mang về nhiều tỉ USD lợi nhuận nhưng cũng có thể kết thúc bằng một “án phạt” trị giá tương đương lợi nhuận.
Các hãng lớn bao giờ cũng sở hữu nhiều bằng sáng chế hơn các hãng nhỏ nhưng số lần... ra tòa của họ cũng nhiều hơn. Microsoft có lẽ là hãng bị kiện nhiều nhất. Công nghệ ActiveX hỗ trợ đa phương tiện trong Internet Explorer đã “đốt” mất của hãng phần mềm lớn nhất thế giới 520 triệu USD sau khi tòa Chicago tuyên Eolas Technologies và Đại học California thắng kiện vào ngày 29-9-2005 ...
Tại Việt Nam, các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể được phát hiện ngay cả khi các đối tượng được bảo vệ mới chỉ hoàn thành khâu nộp đơn đăng ký xác lập quyền hoặc trong thời điểm các văn bằng bảo hộ này vẫn đang còn thời hạn bảo hộ. Tuy nhiên, cách thức mà các chủ thể quyền thực hiện nhằm bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình trước những sự xâm phạm có chủ đích này lại chủ yếu là trực tiếp yêu cầu phía vi phạm hoặc chọn giải pháp khác là khởi kiện mà vẫn chưa mang lại hiệu quả cao trên thực tế. Mặc dù pháp luật về sở hữu trí tuệ có quy định việc Nhà nước có trách nhiệm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền và việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hành vi vi phạm pháp luật, thế nhưng để nâng cao được tính hiệu quả của quyền này cần phải có sự chủ động hơn nữa, quyết liệt hơn nữa từ chính các chủ thể quyền.
Một dẫn chiếu cụ thể tới vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu Hanowindow của Công ty cổ phần Cửa sổ Hà Nội vào tháng 6 năm 2010 mang một số nét điển hình cho việc áp dụng các hình thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền. Theo đó, Hanowindow được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ngày 8/4/2009. Sau khi hoạt động ổn định trong nhiều năm, vào khoảng tháng 4 năm 2010 trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm “nhái” mang nhãn hiệu HanoiWINDOW của một doanh nghiệp khác. Các sản phẩm với nhãn hiệu “nhái”, không chính thống này (chưa được đăng ký bảo hộ) vẫn nghiễm nhiên được lưu thông trên thị trường với một loạt các dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của Hanowindow. Việc xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký bảo hộ không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm như: giảm thị phần, giảm lợi nhuận, làm suy giảm niềm tin của khách hàng với các dòng sản phẩm đó, ..., mà còn gây thiệt hại cho chính những người tiêu dùng bởi sản phẩm không đảm bảo về giá cả, chất lượng, các điều kiện an toàn khác. Chưa cần phân tích vội tới các dấu hiệu vi phạm của HanoiWINDOW mà hãy nhìn cụ thể vào cách thức giải quyết trên thực tế của chủ thể quyền để thấy được việc lựa chọn này là chìa khóa cho sự thành công trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp của mình.
Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam có quy định một số biện pháp nhằm bảo vệ các đối tượng của chủ thể quyền như: (i) Trực tiếp đàm phán, yêu cầu bên vi phạm chấm dứt ngay các hành vi này hoặc (ii) Áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định tại Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ về các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả hoặc (iii) Áp dụng các biện pháp dân sự theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ hoặc (iv) Đề nghị xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Có thể thấy quy định của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho chủ thể quyền là tương đối rõ ràng và đầy đủ, thế nhưng các chủ thể quyền cần cân nhắc lựa chọn áp dụng hình thức xử lý nào để có thể mang lại hiệu quả tức thời trong khoảng thời gian ngắn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp của mình? Đây chính là vấn đề mấu chốt giúp cho chủ thể quyền – đồng thời cũng là chủ các doanh nghiệp đưa ra được một quyết định mang tính bản lề tháo gỡ mọi nút thắt xuyên suốt chặng đường ví như một sợi dây vô định này.
Trong những biện pháp nêu trên có không nhiều các chủ thể quyền lựa chọn hình thức giải quyết thông qua biện pháp hành chính là nộp đơn yêu cầu cơ quan Quản lý thị trường nơi đối tượng vi phạm pháp luật đặt trụ sở chính (và cũng là nơi có các sản phẩm vi phạm được lưu hành) vào cuộc để ngăn chặn việc làm trái quy định này. Tháng 8 năm 2010, cơ quan Quản lý thị trường của Hà Nội đã có văn bản xử lý hành chính với các nội dung: (i) Xử phạt vi phạm hành chính; (ii) Tạm thu giữ sản phẩm, các hồ sơ, tài liệu gốc liên quan đến các hành vi vi phạm đối với HanoiWINDOW. Với biện pháp này chủ thể quyền của Hanowindow đã đạt được mục đích tức thời là chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu này, qua đó hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại mà nếu áp dụng các biện pháp khác sẽ mất thêm nhiều thời gian ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận và niềm tin của khách hàng với những dòng sản phẩm của Hanowindow.
Có thể nói trước các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay, các chủ thể quyền cần lựa chọn và có sự chủ động trong cách thức giải quyết nhằm mang lại hiệu quả tối đa cho doanh nghiệp của mình. Cơ chế tự triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được pháp luật thừa nhận nhưng cần có sự áp dụng linh hoạt đối với mỗi trường hợp cụ thể mới đem lại hiệu quả cao trong một thời gian ngắn nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra cho doanh nghiệp. Và cũng cần phải thay đổi một cách nhìn về xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó là sự phối hợp tương thích giữa biện pháp thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với sự đấu tranh không khoan nhượng, mạnh mẽ từ chính các chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ.