- CƠ SỞ PHÁP LÝ:
- Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13;
- Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13;
- Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13;
- Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2013/QH13;
- Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13;
- Các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan.
- NỘI DUNG
- Kê khai và nộp thuế môn bài:
Sau khi thành lập doanh nghiệp, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng được thành lập, doanh nghiệp phải tiến hành kê khai nộp thuế môn bài theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Trong thời gian của 06 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới thành lập phải nộp mức thuế môn bài của cả năm.
- Trong thời gian của 06 tháng cuối năm, doanh nghiệp mới được thành lập thì phải nộp 50% mức thuế môn bài của cả năm.
- Bậc thuế môn bài được quy định như sau:
Bậc thuế môn bài |
Vốn điều lệ đăng ký |
Mức thuế môn bài cả năm |
Bậc 1 |
Trên 10 tỷ VND |
3.000.000 VND |
Bậc 2 |
Từ 5 tỷ đến 10 tỷ VND |
2.000.000 VND |
Bậc 3 |
Từ 2 tỷ đến 5 tỷ VND |
1.500.000 VND |
Bậc 4 |
Dưới 2 tỷ VND |
1.000.000 VND |
- Kê khai thuế hàng tháng, quý, năm:
Doanh nghiệp mới thành lập thì thực hiện kê khai thuế theo tháng, quý, năm như sau:
- Kê khai thuế giá trị gia tăng:
- Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập thì việc khai thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay theo quý.
- Doanh nghiệp mới thành lập được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Sau năm dương lịch đầu tiên từ khi thành lập, nếu doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì được đăng ký tự nguyện tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ thuế và áp dụng ổn định phương pháp tính thuế trong 2 năm liên tục.
- Doanh nghiệp mới thành lập chỉ được đặt in hóa đơn khi có xác nhận của cơ quan Thuế và phải báo cáo việc phát hành và sử dụng hóa đơn hàng tháng. Hạn nộp là ngày 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế,
- Kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Người nộp thuế thực hiện tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý trước ngày 30 của tháng liền kề quý tiếp theo. Doanh nghiệp không phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý.
- Doanh nghiệp nộp Báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
- Kê khai thuế thu nhập cá nhân:
- Trong trường hợp có phát sinh thuế thu nhập cá nhân, việc xác định kê khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng hoặc theo quý được xác định 01 lần kể từ tháng đầu tiên có phát sinh thuế và áp dụng cho cả năm;
- Trường hợp doanh nghiệp phát sinh số thuế khấu trừ trong tháng của ít nhất một loại tờ khai thuế thu nhập cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên thì khai thuế theo tháng. Nếu không thuộc trường hợp này, doanh nghiệp kê khai thuế theo quý;
- Doanh nghiệp nộp Báo cáo quyết toán thuế thu nhập cá nhân trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính;
- Nộp Báo cáo tài chính năm:
- Doanh nghiệp nộp Báo cáo tài chính năm trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
- Các vấn đề về lao động trong doanh nghiệp:
Lao động trong doanh nghiệp là vấn đề doanh nghiệp cũng cần hết sức quan tâm nhằm tạo ra một môi trường sản xuất, kinh doanh năng động, hiệu quả. Để tránh những tranh chấp hoặc các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xảy ra trong quá trình sử dụng lao động, doanh nghiệp cần tuân thủ những điều kiện và những thủ tục pháp lý khi sử dụng lao động do Bộ luật lao động quy định như sau:
- Doanh nghiệp phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với những lao động có công việc không xác định thời điểm kết thúc hoặc có thời hạn từ 36 tháng trở lên. Đối với lao động là người nước ngoài, người lao động phải có giấy phép lao động hợp pháp tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp phải ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 năm tới 03 năm đối với những công việc xác định được thời hạn bắt đầu và thời hạn kết thúc.
- Đối với những công việc theo mùa vụ hoặc có thời hạn dưới 12 tháng cũng phải ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như người sử dụng lao động.
- Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động dưới 15 tuổi.
- Người sử dụng lao động cần ban hành Nội quy lao động cho doanh nghiệp trong đó quy định cụ thể các vấn đề: Tiền lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; quyền và nghĩa vụ; kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất; an toàn và vệ sinh lao động… Đồng thời người sử dụng lao động cũng cần chấp hành nghiêm túc nội quy trên.
- Người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc các chế độ bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật bao gồm: bảo hiễm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
- Xác lập quyền về thương hiệu của doanh nghiệp:
Trong thời điểm doanh nghiệp mới thành lập, danh tiếng và chỗ đứng trên thị trường còn hạn chế, vì vậy việc bắt tay vào xây dựng thương hiệu một cách quy mô và bài bản ngay từ đầu là hết sức cần thiết. Doanh nghiệp có thể xây dựng một thương hiệu khác với tên Công ty nhưng cũng có thể lấy chính tên công ty làm thương hiệu cho mình. Tuy nhiên, việc trước tiên cần làm đó chính là xác lập một địa vị pháp lý an toàn cho thương hiệu của công ty. Sau khi xác định thương hiệu là gì và gắn với logo như thế nào, hoặc không có logo, doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu đó tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp muốn được hưởng quyền sở hữu đối với Thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá phải nộp Đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu hàng hoá. Thủ tục giấy tờ cần thiết bao gồm:
- Tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận NHHH (theo mẫu): 3 bản
- Mẫu nhãn hiệu : 09 bản
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản chứng thực
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu, yêu cầu bảo hộ là nhãn tập thể: 1 bản chính
- Tài liệu xác nhận về xuất xứ, giải thưởng, huy chương nếu nhãn hiệu chứa các thông tin đó.
- Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền (nếu trên nhãn hệu có chứa đựng các biểu tượng, tên riêng).
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, chủ sở hữu thương hiệu có Các lợi ích hợp pháp được Pháp luật bảo hộ như sau:
- Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá là Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam từ ngày cấp đến hết thời hạn 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần mỗi lần 10 năm. Nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ trong phạm vi các sản phẩm dịch vụ đã đăng ký.
- Chủ sở hữu có quyền: Yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm của bên thứ ba xâm phạm quyền của mình.
- Chủ sở hữu có quyền gắn nhãn hiệu hàng hoá trên sản phẩm, bao gói hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch; hoặc lưu thông, chào bán quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu, xuất nhập khẩu hàng hoá đã đăng ký.
- Chủ sở hữu có quyền chuyển giao quyền sử dụng (lixăng), chuyển nhượng quyền sở hữu, từ bỏ quyền sở hữu hoặc không tiếp tục gia hạn.
- Một số vấn đề pháp lý khác:
- Sau khi thành lập, doanh nghiệp phải tiến hành gắn biển tại địa chỉ đăng ký trụ sở chính với một số thông tin chủ yếu như: tên, địa chỉ…
- Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp có quyền điều chỉnh bất kỳ nội dung nào đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký kinh doanh (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và phải làm thủ tục điều chỉnh tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Trường hợp gặp khó khăn hoặc muốn tạm ngừng kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định, doanh nghiệp có quyền làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn tối đa là 01 năm và được gia hạn không quá 01 năm tiếp theo.
- Các giao dịch với khách hàng, đối tác, doanh nghiệp cần lưu ý ký kết các văn bản, hợp đồng phù hợp nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.
Kính chúc doanh nghiệp khởi sự thuận lợi và thành công!